Đại Tâm – Xoài Cả Nả - (Kỳ 3) (Lượt xem: 341821)

Trang chủ >> GIỚI THIỆU >> Thông tin trong ngành >> Hương sắc Sóc Trăng

Cập nhật: 11/08/2014

Đại Tâm - Xoài Cả Nả không chỉ biến đến là vùng đất học, mà ở Đại Tâm - Xoài Cả Nả còn có những ẩm thực nổi tiếng lưu truyền từ bao đời. Là vùng đất hòa quyện ba nét văn hóa đặc trưng Kinh - Hoa - Khmer.

Đại Tâm – Xoài Cả Nả - (Kỳ 3)
Cây Trứng Sấu trên 100 tuổi ở Đại Tâm

Trong chương trình Địa chí Sóc Trăng - về với đất Đại Tâm- Xoài Cả Nả kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu gia đình ông Diệp Tấn Phường ở ấp Đại Chí, nhà có 4 người con thì đều tốt nghiệp Đại học, hiện  3 người  đã và đang trở thành  thạc sĩ. Và đáng quý thay ở “ Đất học Đại Tâm” không chỉ có những gia đình có của ăn của để mới cho con cái học hành đến nơi đến chốn, mà khuất sau những lũy tre làng, dưới những mái nhà đơn sơ chúng ta không khó để tìm ra một tấm gương vượt khó cho con bước vào giảng đường.

 Từ khi còn vách lá cho đến bây giờ cột đúc mái tol, căn nhà với nhiều thứ đã đổi thay, chỉ riêng cái hàng ba với dáng ngồi của bà Dương Thị Sane là gần như vẹn nguyên cùng năm tháng. Lấy chồng từ thưở đôi mươi, sáu người con lần lượt ra đời. Vòng đời biết bao biến động, nhưng mấy mươi năm bà vẫn ngồi đấy để đan từng cái nia, cái thúng. Bà Sane bắt đầu công việc hằng ngày khi mặt trời còn chưa lên và chỉ ngừng tay khi bóng tối vây quanh. Bà cặm cụi tháng ngày, chẳng chút nghỉ tay không chỉ vì cái ăn cái mặc cho đàn con, mà còn đan cho ước vọng của cả cuộc đời là nuôi cho các con học hành tới nơi tới chốn, bởi bà tâm niệm: Con người ta giàu có cỡ nào, tiền bạc nhiều đến đâu cũng không bằng sự giàu có của cái chữ. Có chữ thì mới biết tính toàn làm ăn cao hơn, xã hội ngày càng phát triển nên không có cái chữ thì nhiều thiệt thòi lắm. Nên dù có cực khổ cũng phải cho con nó học.

Từ những cái thúng, cái nia, từ đôi tay cần mẫn của người Mẹ. Quan tâm của chính quyền địa phương thông qua các chương trình hỗ trợ. Chủ trương cho sinh viên vay vốn của nhà nước, mà năm trong sáu người con của người mẹ nghèo này lần lượt bước vào Đại học- cao đẳng. Hiện ba trong số ấy đã là giáo viên.

Vật đổi sao dời, Đại Tâm hôm nay, còn rất hiếm những gốc  xoài, ngày nào đã góp phần hình thành nên địa danh “ Xoài Cả Nả”. Nhưng những vườn cây xanh mát vẫn là hình ảnh đặc trưng của vùng đất nửa chợ nửa quê - từng là thủy tổ của tỉnh Sóc Trăng, có cây đáng để gọi là cổ thụ.

Nếu như vú sữa Đại Tâm từ lâu đã là một thương hiệu, thì có một loại cây cũng là đặc trưng của dãy đất giồng này mà ít người biết tới, với cái tên khá lạ “Trứng sấu” có những cây hai người ôm không giáp mà theo chủ nhân là Cây đã hơn 100 năm tuổi. Trái trứng sấu tới mùa chín vàng, được gọt sạch ngâm muối đường, giống như cách chúng ta vẫn thường làm với cóc, ổi, tạo nên một thứ ăn chơi hấp dẫn bởi vị chua ngọt, thơm dịu rất đặc trưng. Ngoài ra trứng sấu còn cho gỗ bởi thân to, tán rộng và khá rắn rõi. Tuy nhiên nếu chỉ xét riêng về mặt kinh tế, thì nguồn thu từ loại cây này chẳng bao nhiêu. Nhưng người  Đại Tâm vẫn không nỡ đốn, dù chúng chiếm nhiều đất, dù bị xem là cây dại. Bởi lẽ đơn gian đó là cây trồng của  ông cha và từ lâu đã gắn chặt với vùng đất này.

Cũng là món ăn gắn liền với vùng đất, nhưng nếu trái trứng sấu chỉ quẩn quanh trong làng, thì bánh cống Đại Tâm từ lâu đã vang xa qua lời truyền miệng của thực khách. Tại thành phố Sóc Trăng cũng có hàng bánh cống, nhưng với những người thích loại bánh chiên giòn béo ngậy thì họ vẫn sẵn sàng đi về  hơn 10 km xuống Đại Tâm mà thưởng thức. Những người con xa xứ chắc chắn sẽ cồn cào khi nhắc về bánh cống quê nhà. Còn du khách gần xa chỉ cần một lần ghé qua thì khó mà quên hương vị đậm đà và thầm hẹn ngày trở lại.

Ở Đại Tâm hiện nay có khá nhiều hàng bán bánh cống, nhất là vào buổi chiều. Trong đó gia đình chị Trần Thị Đào, bà con thân quen còn gọi là Chị Nga được xem là một trong những hàng chính hiệu, với ba đời chuyên nghề bánh cống. Dù khâu chế biến, kể cả nhân đã có những thay đổi so với trước kia. Nhưng cốt cách vẫn là: Gạo tài nguyên ngâm với đậu nành được dùng để xây thành bột. Nhân là đậu xanh, tép, thịt. Tất cả cùng bỏ vào “ cống”, một thoáng dầu sôi, cái bánh chiên giòn, hợp cùng cải xà lách, bắp cải và nước mắm do chính người chủ pha chế. Đơn giản vậy thôi nhưng ăn rồi thì muốn ăn nữa và những buổi chiều tà lại nhớ về với Đại Tâm.

Hương vị thơm lừng, giòn tan của chiếc bánh cống – một đặc sản địa phương đã khép lại Địa chí Sóc Trăng kỳ này. Ở kỳ cuối của loạt ký sự “ Về Đất Đại Tâm” những người thực hiện chương mời đọc giả một lần nữa cùng chúng tôi trở lại với địa danh “ Xoài Cả Nả”, với cách làm ra cái Nả, những nét tương đồng giữa cái “ Ui Ná” của bà con người Hoa với cái “ Khênh” của đồng bào Khmer. Điều này thể hiện phần nào sự giao thoa và đoàn kết tuyệt vời của các dân tộc trên mảnh đất Sóc Trăng.

Quốc Khởi

Tag:

TIN LIÊN QUAN

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online