“Người hùng” góp phần tạo nên vaccine COVID-19 (Lượt xem: 13477)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Giáo dục - Khoa học & Công nghệ

Cập nhật: 26/07/2021

Vaccine công nghệ mRNA là loại vaccine ngừa COVID-19 được chờ đợi nhất. So với công nghệ truyền thống, mRNA hứa hẹn hiệu quả hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, ít tác dụng phụ hơn. Đằng sau thành công chế tạo ra vaccine COVID-19 theo công nghệ mRNA là công sức và nỗ lực nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, trong đó không thể không nhắc tới nỗ lực không biết mệt mỏi của Tiến sĩ người Hungary - bà Katalin Kariko.   

“Người hùng” góp phần tạo nên vaccine COVID-19
Tiến sĩ Katalin Kariko (bìa phải ảnh) tình cờ gặp nhà miễn dịch học Drew Weissmen vào năm 1998 và từ đó, sự nghiệp của bà đã hoàn toàn thay đổi. 

    Các loại Vaccine dựa trên công nghệ mRNA là những sản phẩm được đánh giá cao về tính đột phá trong nghiên cứu. Đáng chú ý là khả năng tự sản sinh kháng nguyên và tạo ra kháng thể một khi được tiêm vào cơ thể. Và ít ai biết người đã đặt nền móng cho công nghệ tạo Vaccine hết sức mới mẻ này lại là một nhà khoa học nữ ít được biết đến trước đó, bà Katalin Kariko.

   Cuộc đời Tiến sĩ Katalin Kariko không có có 2 chữ “dễ dàng". Bà là một trong những người đầu tiên phát minh ra RNA thông tin (gọi tắt là mRNA), công nghệ điều chế Vaccine tân tiến nhất thế giới hiện nay. Thế nhưng, việc chứng minh được sức mạnh tiềm tàng của mRNA đầy gian nan. Suốt một thời gian dài, ý tưởng của nhà hóa sinh người Hungary bị xem là “phi thực tế”. Và liên tục gặp phải những cái lắc đầu từ chối hỗ trợ từ các chính phủ, tổ chức khoa học. Nhưng giờ đây, phát minh của bà là một trong những ý tưởng có thể làm thay đổi cả thế giới.

   Khái niệm mRNA là kiến thức sinh học từ lớp 9. Bài giảng sinh học đã dạy mRNA có chức năng truyền đạt thông tin quy định cấu trúc của protein. Để dễ hiểu, mRNA có nhiệm vụ báo tin cho tế bào biết loại protein nào mà nó đang thiếu. Sau khi nhận lệnh, tế bào bắt đầu "chỉ đạo sản xuất" ra đúng lượng và loại protein theo yêu cầu. Nghĩa là tế bào tự tạo ra kháng nguyên. Từ đó, hệ miễn dịch sinh kháng thể để tiêu diệt.

   Sau nhiều năm nghiên cứu về mRNA, tiến sĩ Katalin Kariko đã tình cờ gặp nhà miễn dịch học Drew Weissman vào năm 1998 và từ đó, sự nghiệp của bà đã hoàn toàn thay đổi. Tuy nhiên, công việc nghiên cứu của 2 người không hề suôn sẻ. Tiến sĩ Katalin Kariko cho rằng: “Thời điểm đó rất khó khăn vì mọi người không tin rằng mRNA có thể là một liệu pháp. Cùng với đồng nghiệp của mình là Tiến sĩ Drew Weisman, chúng tôi đã phát triển phương pháp này trong đó chúng tôi thay đổi một thành phần trong RNA làm cho nó ít gây phản ứng miễn dịch hơn và có thể sử dụng nó cho các loại liệu pháp khác nhau”.  

    Sự kiên trì không biết mệt mỏi của hai nhà nghiên cứu cuối cùng đã được đền đáp. Năm 2005, Kariko và Weissman đạt được một bước đột phá lớn, khi họ lần đầu tiên đưa mRNA tổng hợp vượt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể con người. Nhà khoa học - Tiến sĩ Drew Weissman, cho hay: “Vào năm 2005, chúng tôi đã công bố công trình nghiên cứu của mình và được đánh giá có tiềm năng thay đổi cuộc chơi. Nhưng mãi đến khoảng năm 2008, 2009, người ta mới thực sự nhận ra”.

   Giờ đây, công nghệ mRNA được các nhà nghiên cứu tại Pfizer-BioNTech và Moderna sử dụng để điều chế vaccine COVID-19. Dù vậy, nhà hóa sinh Hungary vẫn rất khiêm tốn khi nhận được những lời khen. Tiến sĩ Katalin Kariko, cho biết: “Tôi rất vui mừng vì loại vaccine này có tác dụng mạnh mẽ và tất nhiên bạn biết đấy thành công này không hoàn toàn là của tôi. Rất nhiều đồng nghiệp khác đã nỗ lực nghiên cứu vì tôi sẽ không thể một mình lãnh trách nhiệm cứu thế giới”.

   Tiến sĩ Katalin Kariko không nhận mình là anh hùng và trân trọng dành 2 từ thiêng liêng này cho những nhân viên tuyến đầu chống dịch trên khắp thế giới. Dù có là “anh hùng” hay không, thì kỳ tích của bà đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Anh Balazs - một sinh viên nói: “Tôi nghĩ nhiều người trong chúng tôi muốn trở thành nhà nghiên cứu. Thật là một động lực lớn cho chúng tôi khi được gặp một nhà nghiên cứu nổi tiếng như vậy. Điều đó rất có ý nghĩa.”

  Sau COVID-19, mRNA hứa hẹn có thể đánh bại căn bệnh ung thư và có tiềm năng điều chế vaccine điều trị HIV/AIDS. Với thành công vang dội này, Katalin Kariko và Drew Weissman đang đứng trước cơ hội rất lớn để giành được giải Nobel Y học đầu tiên trong sự nghiệp của mình./.

Nguồn TTX Việt Nam


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online