Tăng cường kiểm soát tiến độ xuống giống vụ lúa Đông - Xuân muộn trong điều kiện mặn xâm nhập  (Lượt xem: 1919)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 23/01/2024

Sáng nay (23/1), Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng tổ chức cuộc họp với các đơn vị và địa phương có liên quan nhằm thống nhất giải pháp kiểm soát tốt tình hình sản xuất vụ lúa Đông - Xuân muộn trong điều kiện mặn xâm nhập. Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng chủ trì cuộc họp.

Tăng cường kiểm soát tiến độ xuống giống vụ lúa Đông - Xuân muộn trong điều kiện mặn xâm nhập 
Độ mặn tại các cống đầu nguồn ở Sóc Trăng đang lên cao. 

Quang cảnh cuộc họp. 

Tính đến nay, Sóc Trăng đã xuống giống được 31.045 ha lúa Đông - Xuân muộn. Hiện nay, giá lúa dao động từ 9.200 - 11.500 đồng/ký, khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Theo đó, diện tích xuống giống vụ Đông - Xuân muộn ở một số địa phương được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, theo cơ quan chuyên môn, độ mặn ghi nhận được tại các cống đầu nguồn của tỉnh Sóc Trăng đã bắt đầu tăng cao cùng tác động của hiện tượng Elnino nên khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp là rất lớn.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương năm 2020 - 2021. Trong thời kỳ cao điểm (vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2024) có thể xảy ra thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông. Tại Sóc Trăng, từ đầu tháng 1, Công ty Cổ phần Thủy lợi tỉnh đã tiến hành 2 đợt tiếp nước phục vụ cho vùng sản xuất lúa ở hệ thống thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt. Tuy nhiên, nếu độ mặn vượt ngưỡng 1,5 %o, toàn bộ hệ thống cống phục vụ công tác trữ ngọt buộc phải đóng hoàn toàn để ngăn mặn, nguồn nước dự trữ trong hệ thống chỉ có thể phục vụ tối đa trong khoảng 20 ngày, rất khó có thể đảm bảo việc điều tiết nước hài hòa trong sản xuất lúa giữa vùng đầu nguồn và vùng cuối nguồn của hai địa phương nằm trong vùng hệ thống thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt, là huyện Long Phú và huyện Trần Đề.

Chủ động điều tiết nước để phục vụ sản xuất. 

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương thuộc vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn cần tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để người dân cập nhập kịp thời thông tin về diễn biến độ mặn, từ đó lựa chọn hình thức sản xuất phù hợp thay vì canh tác lúa Đông - Xuân muộn. Chi cục Thuỷ lợi cần phối hợp với các địa phương vận hành, điều tiết nước để phục vụ cho các trà lúa đã xuống giống. Các cơ quan chuyên môn cần quan tâm, rà soát lại toàn bộ các hệ thống bờ bao, hệ thống cống nhằm chủ động điều tiết nước, tập trung khuyến cáo nông dân có phương án sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý để trong điều kiện hạn, mặn.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng.

Cao điểm mùa khô 2023 - 2024 đang đến gần, trước tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nông dân Sóc Trăng cần tuân thủ tốt các khuyến cáo của ngành chức năng, địa phương để có được vụ lúa thành công./.

Ngọc Thơ, Trọng Phước


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online