Sự cần thiết hình thành cảng đầu mối vùng đồng bằng sông Cửu Long tại khu vực ngoài khơi cửa Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng  (Lượt xem: 1885)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 07/08/2023

Sáng nay (7/8), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Đến dự có ông Nguyễn Văn Thể - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương; ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ GTVT; đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Về phía tỉnh Sóc Trăng có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành của tỉnh.

Sự cần thiết hình thành cảng đầu mối vùng đồng bằng sông Cửu Long tại khu vực ngoài khơi cửa Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng 
Phối cảnh cảng biển Trần Đề.

Vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Với những kết quả đạt được, vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, hơn 70% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh, làm mất nhiều thời gian, tăng chi phí vận chuyển. Do đó, việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng sẽ giải quyết điểm nghẽn của vùng. Ngày 24/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 886 về việc phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam; trong đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội thảo.

Với những định hướng trên, tại hội thảo, ông Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đồng thời cho biết, tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề; tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề.


Phối cảnh cảng biển Trần Đề.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã trao đổi, thảo luận về sự cần thiết hình thành cảng đầu mối vùng ĐBSCL tại khu vực ngoài khơi cửa Trần Đề. Theo cự ly và chi phí vận tải, vùng hấp dẫn trực tiếp bến cảng Trần Đề là 8 tỉnh: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Theo đánh giá từ các nhà đầu tư, việc xây dựng cảng Trần Đề có ưu điểm là cảng cứng, thuận lợi trong việc khai thác, bốc dỡ hàng hóa so với khu vực ngoài khơi. Đồng thời tháo gỡ nút thắt trong hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu mà trọng tâm là giảm dần chi phí logistics của vùng ĐBSCL tiệm cận với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và khu vực, việc đầu tư bến cảng Trần Đề cho tàu biển trọng tải lớn để làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho toàn vùng ĐBSCL là cần thiết.

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm SaoTa, tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội thảo.

Mỗi năm Công ty Cổ phần thực phẩm SaoTa, tỉnh Sóc Trăng xuất khẩu khoảng 25.000 - 30.000 tấn tương đương khoảng 1.500 - 2.000 container, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ và cho biết, những năm qua các lô hàng xuất khẩu của công ty đều tập trung lên cảng Cát Lái và cảng Cái Mép để xuất khẩu ra nước ngoài. Cung đường vận chuyển hẹp và khá dài, trong khi mật độ phương tiện lưu thông cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro như hàng hóa giao không đúng hẹn. Ngoài ra chi phí vận chuyển đến 2 cảng nói trên khá cao, nếu có cảng Trần Đề sẽ là lợi thế lớn để giảm chi phí vận chuyển khoảng 20 tỷ đồng/năm, đồng thời rút ngắn thời gian vận chuyển.

Ông Nguyễn Văn Thể - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương - nguyên Bí thư tỉnh Sóc Trăng.

Phân tích về sự cần thiết để đầu tư cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Thể - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương - nguyên Bí thư tỉnh Sóc Trăng cho rằng: ĐBSCL hiện đang phát triển mạnh nông lâm nghiệp nhưng chưa phát triển mạnh công nghiệp vì chưa có đủ cao tốc và cảng. Nếu đủ cao tốc và cảng, giao thông vận tải kết nối hoàn chỉnh sẽ thúc đẩy công nghiệp ĐBSCL phát triển mạnh. Qua đó có thể thấy, cảng Trần Đề đi vào hoạt động sẽ thúc đấy GDP vùng ĐBSCL tăng trưởng cùng cả nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, đến cuối năm 2023, Bộ sẽ hoàn tất quy hoạch vùng cảng biển của khu vực và tỉnh Sóc Trăng để nhanh chóng trình Chính phủ phê duyệt sớm triển khai thực hiện dự án. Cảng Trần Đề được triển khai, được kết nối với hệ thống cao tốc sẽ là lựa chọn tối ưu cho ĐBSCL để đưa vùng này phát triển cùng nền kinh tế cả nước. Qua đó, Thứ trưởng cũng đã giao Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến của đại biểu tại hội thảo để đưa ra những giải pháp tối ưu trong lộ trình quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước, lộ trình đầu tư cảng biển Trần Đề trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, xem xét kiến nghị đầu tư cầu dẫn bằng ngân sách nhà nước giống như đã đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng.

 

Ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quá trình kêu gọi đầu tư và tham gia đầu tư Cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Phối cảnh cảng biển Trần Đề.

Sau hội thảo, tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các ngành liên quan tập trung tham mưu các cấp uỷ, chính quyền tỉnh thực hiện công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề, đặc biệt là nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư cảng biển Trần Đề trong thời gian sớm nhất, nhằm đưa khu vực ĐBSCL phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước./.

 Thiện Tính, Hoàng Phong, Sa Phép

 


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online