Sóc Trăng: Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (Lượt xem: 1815)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Pháp luật - Cải cách hành chính

Cập nhật: 28/07/2023

Với mục tiêu hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân…. Ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. So với các Quy định trước đây, Luật này có nhiều điểm mới. Tỉnh Sóc Trăng cũng đã có kế hoạch triển khai sau khi luật có hiệu lực thi hành.

Sóc Trăng: Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở
 .

Trước khi Luật được ban hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 30 ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm: Nghị quyết số 55 ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Pháp lệnh số 34 ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04 ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 145 ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Các văn bản nêu trên đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước tại thời điểm ban hành, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật này quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật có những nội dung mới so với các Quy định trước đây như: Về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, Luật mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành. Đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như: đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với Nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của UBND cấp xã theo Quy định của pháp luật, thông qua mạng xã hội,... Mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; Quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân. Quy định về hình thức văn bản của cộng đồng dân cư, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản của cộng đồng dân cư; thay đổi thẩm quyền công nhận Hương ước, Quy ước của thôn, Tổ dân phố từ UBND cấp huyện sang UBND cấp xã. Bổ sung Quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình UBND cấp xã ban hành các Quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc Quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành; Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra và Nhân dân giám sát.

Ông Phạm Minh Mẫn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng.

Về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, ông Phạm Minh Mẫn (ảnh trên) - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng, cho biết có một số điểm mới: Bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ, đăng trên Cổng, Trang thông tin của cơ quan, đơn vị. Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục cán bộ, công chức, viên chức kiểm tra và giám sát. Bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, Luật bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, từ thiện tại doanh nghiệp. Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát. Bổ sung một số nội dung hiện đang được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hình thức quyết định, kiểm tra, giám sát; một số nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát,...

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, ông Phạm Minh Mẫn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng, cho biết, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của HĐND, UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các cơ quan Trung ương và chế độ báo cáo về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam cấp xã nói riêng; trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã bổ sung quy định về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Theo đó, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã quyết định thành lập theo từng chương trình, dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) triển khai trên địa bàn cấp xã, chương trình, dự án đầu tư bằng vốn và công sức của cộng đồng dân cư hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã. Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động.

Kế hoạch số 143/KH-UBND ban hành ngày 14/7/2023 về triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Ông Phạm Minh Mẫn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 còn bổ sung quy định những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định như: Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị. Việc thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị ngoài các khoản đã được pháp luật quy định.  Nội dung Nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Các công việc tự quản khác trong nội bộ cơ quan, đơn vị không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

Để triển khai có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Quyết định số 346 ngày 6 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở , Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, trong đó có giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện triển khai có hiệu quả Luật.

Để thực hiện dân chủ ở cơ sở tại tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới, ông Phạm Minh Mẫn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng cho hay: theo nhiệm vụ đã được phân công trong kế hoạch, Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc triển khai thi hành Luật. Từ đó sẽ ghi nhận những hạn chế, thiếu sót để kiến nghị cấp trên xem xét sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới.

Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện dân chủ của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh./.

Hải An, Sa Phép


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online