Sóc Trăng triển khai đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU (Lượt xem: 2344)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 03/12/2023

Sau hơn 5 năm, án phạt “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định đã tác động rất lớn đến hàng triệu ngư dân Việt Nam. Ở tầm vĩ mô, nước ta từ vị trí xuất khẩu hải sản số 1 thế giới, đã xuống số 4 vào năm 2019.  Ý thức rõ việc vi phạm đã gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cá Việt Nam và trực tiếp là thu nhập của ngư dân nên cùng với các địa phương ven biển trên cả nước, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Thủy sản Sóc Trăng đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng”, nhằm phát triển nghề cá một cách an toàn, bền vững; góp phần ổn định sinh kế cho hàng chục ngàn ngư dân sống phụ thuộc vào nghề khai thác, đánh bắt thủy, hải sản.

Sóc Trăng triển khai đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU
 Kiểm tra tàu trước khi xuất bến.

Theo đó, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản liên quan đến việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cho ngư dân sinh sống tại vùng ven biển của tỉnh. Công tác tuyên truyền được các đơn vị phối hợp triển khai bằng nhiều hình thức phong phú với đa dạng cách thức tiếp cận. Nổi bật là tổ chức những buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo đầu ngành với chủ tàu và ngư dân.  

Lực lượng Thanh tra chuyên ngành Thủy sản còn phối hợp tốt cùng Đồn Biên phòng, Cảnh sát đường thủy, Công an các địa phương tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra trên biển nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các tàu cá có nguy cơ vi phạm khuyến nghị của EC. Ngoài hình thức xử phạt mang tính răn đe cao đối với các tàu cá cố ý vi phạm các lỗi cơ bản, Đoàn chuyên ngành đã kiểm tra, nhắc nhở, kiên quyết không cho tiếp tục khai thác đối với những tàu cá không mang theo đủ hồ sơ, giấy tờ khi hoạt động trên biển. Đến nay, đã có 368 tàu cá đánh bắt xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài cũng như những quy định liên quan chống khai thác IUU, 100% tàu cá ra/vào cảng đều thực hiện khai báo theo quy định và cơ bản chấp hành tốt việc ghi chép nhật ký khai thác.

Đoàn chuyên ngành đã kiểm tra, nhắc nhở.

Về thiết bị giám sát hành trình (công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý tàu cá, giúp chủ tàu và ngư dân xác định rõ phạm vi đánh bắt để tránh xảy ra trường hợp phương tiện xâm phạm vào vùng biển nước ngoài), Chi cục Thủy sản phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông đã tăng cường tổ chức kiểm tra tình trạng kết nối của các thiết bị nhằm xác định rõ nguyên nhân xảy ra lỗi mất kết nối, từ đó yêu cầu đơn vị cung cấp kịp thời hỗ trợ người dân sửa chữa, khắc phục. Tính đến nay, 100% tàu cá của tỉnh Sóc Trăng có chiều dài trên 15m đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, các dịch vụ được cung cấp đảm bảo liên tục, hiệu quả. Các trường hợp mất kết nối chủ động (do tác động của con người) cũng được cơ quan chuyên môn tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Từ việc triển khai các giải pháp mạnh, quyết liệt hơn, đến nay hầu hết các tàu cá  trên địa bàn tỉnh đều được kiểm soát và chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Các thiết bị giám sát bị hư hỏng, lỗi mạng đều đã được khắc phục. Một số tàu mất kết nối ngoài khơi cũng thực hiện báo cáo vị trí tọa độ 6 tiếng một lần về Cục Thủy sản.  

Ông Lư Tấn Hoà (ảnh trên) - Phó Chi cục trưởng - Chi Cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực khai thác, trong đó quy định xử phạt đối với các hành vi ngư dân tự ý tháo dỡ thiết bị giám sát hành trình; tàu thường xuyên mất kết nối ngoài khơi (trên 10 ngày)… Chúng tôi cũng đang phối hợp với lực lượng Biên phòng, địa phương và các tỉnh bạn trong thông báo tình trang ngư dân tự ý tháo dỡ thiết bị giám sát hành trình và mất kết nối để xử lý. Hướng tới, Chi Cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng tham mưu Chính quyền cũng như HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ ngư dân các cước phí giám sát hành trình hàng tháng; thường xuyên làm việc với các nhà cung cấp thiết bị để đơn vị có kế hoạch nâng cấp thiết bị, đảm bảo cho thiết bị hoạt động ổn định.    

Trên cơ sở các hạn chế còn tồn tại trong công tác IUU, UBND các địa phương có tàu cá đánh bắt xa bờ đã chỉ đạo các địa phương phối hợp tốt cùng lực lượng Biên phòng, Ban quản lý Cảng cá Trần Đề, thành lập Tổ tuyên truyền đến nhà từng chủ tàu và ngư dân để thông tin kịp thời các chủ trương của Nhà nước trong công tác khai thác, đánh bắt thủy, hải sản .

Tổ tuyên truyền đến nhà từng chủ tàu và ngư dân để tuyên truyền, vận động và ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Quán triệt có hiệu quả các Văn bản, Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như cụ thể hóa Kế hoạch 277 ngày 19/01/2023 của Bộ Tư lệnh Bộ Đội Biên phòng về nhiệm vụ chống khai thác IUU, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các Đồn, Trạm, Hải đội tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và Luật Thủy sản 2017 đến ngư dân tham gia hoạt động nghề cá, đồng thời, vận động các chủ phương tiện và thuyền trưởng ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

 

Thượng tá Hà Thế Hữu (ảnh trên) - Phó Tham mưu trưởng, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Bộ Chỉ huy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sóc Trăng đã quyết liệt triển khai, chỉ đạo các Đồn, Trạm, Hải đội Biên phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân, đặc biệt là các phương tiện đánh bắt xa bờ về thực hiện IUU; phân công đảng viên Đồn Biên phòng tuyên truyền, vận động hộ gia đình ngư dân viết Bản cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các lực lượng đứng chân trên địa bàn tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản đối với các phương tiện có nguy cơ cao để lập hồ sơ để kịp thời quản lý, theo dõi; phối hợp với các lực lượng có liên quan tiến hành giám sát và tiến hành ngăn chặn nếu có trường hợp ngư dân Sóc Trăng vi phạm vùng biển nước ngoài.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu thủy hải, sản đạt trên 8,5 tỷ USD, đây là ngành hàng mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho nước ta, nhưng hải sản đánh bắt xuất khẩu chiếm khá thấp, chỉ trên 5% (nguồn thu này không đáng kể). Hiện nay, EU vẫn được xác định là thị trường định hướng, là đối tác lớn của ngành thủy sản Việt Nam; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đã có hiệu lực vào tháng 8/2020, do đó, cùng với 28 tỉnh, thành ven biển, Sóc Trăng đã và đang triển khai quyết liệt hơn cùng gỡ "thẻ vàng" của EC để giữ vững thị trường quan trọng này. Theo đó, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác không đúng vùng biển quy định được cấp phép hoạt động, chưa chấp hành các quy định về quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác,... đều sẽ bị xử lý đúng luật định. Bởi chưa xóa được “thẻ vàng” thì sản phẩm khai thác của ngư dân sẽ gặp rất nhiều rào cản trong xuất khẩu trên tất cả thị trường trên thế giới, khi đó giá trị hàng hóa hải sản xuất khẩu không được cải thiện, ngư dân sẽ là người chịu thiệt thòi trước tiên.

Ông Vương Quốc Nam (ảnh trên) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều văn bản và Kế hoạch thực hiện chống khai thác IUU, đã chỉ đạo các ngành, các cấp và vận động người dân quan tâm thực hiện. Sắp tới tỉnh tiếp tục triển khai mạnh hơn, trước tiên các ngành rà soát lại hết đội tàu của tỉnh về cấp phép, đăng kiểm, giấy chứng nhận khai thác thuỷ sản và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu trên 15m theo quy định, để đảm bảo giám sát chặt chẽ tàu xuất, cập bến và kiếm soát cả tàu ngoài tỉnh. Các tàu phải đảm bảo ghi nhật ký khai thác đầy đủ để các cơ quan chức năng có điều kiện xác nhận truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, đảm bảo cho việc xuất khẩu.

Ngoài tiềm năng lớn ở lĩnh vực nuôi trồng, Sóc Trăng còn có gần 1.000 chiếc tàu đánh bắt thủy sản với sản lượng khai thác hàng năm hiện chiếm trên 70.000 tấn. Đây cũng là ngành nghề gắn bó từ rất lâu đời của hàng chục ngàn hộ dân sinh sống tại những địa phương ven biển. Vì vậy, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã và cùng cả nước đang chung sức tháo gỡ “thẻ vàng” để thủy sản của Việt Nam nhanh chóng được xuất khẩu sang châu Âu, qua đó, lập lại trật tự ở lĩnh vực khai thác, đánh bắt, Sóc Trăng từng bước phát triển nghề cá theo hướng bền vững, hiện đại./.

Trọng Phước, Bình Trọng, Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online