Nuôi bò sạch theo chuỗi giá trị, xu hướng phát triển bền vững  (Lượt xem: 9901)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 17/05/2021

Chăn nuôi bò, đặc biệt là nuôi bò thịt đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân nông thôn tại tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, trước sự đa dạng về nguồn hàng, nghề nuôi bò đang đối mặt với rất nhiều áp lực về giá cả, chất lượng thịt thương phẩm. Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng từng bước tổ chức lại sản xuất theo mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi nâng cao giá trị.

Nuôi bò sạch theo chuỗi giá trị, xu hướng phát triển bền vững 
Mô hình nuôi bò VietGAP.

   Khởi nghiệp năm 2016 với 4 con bò sinh sản, đến nay đàn bò của anh Huỳnh Văn Danh ở ấp Tân Bình, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm đã phát triển tổng đàn lên hơn 20 con. Nếu như trước kia chỉ thực hành chăn nuôi theo tập quán thông thường thì giờ đây, nhờ những kiến thức được trang bị khi tham gia mô hình VietGAP mà khu chuồng trại của anh Danh được đảm bảo hơn về điều kiện môi trường, chất lượng đàn bò đã được cải thiện rõ rệt. Mô hình này đã được Ban quản lí Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ triển khai từ năm 2019, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển chăn nuôi bò theo hướng an toàn sinh học, phù hợp nhu cầu thị trường tiêu dùng, đáp ứng một phần nhu cầu con giống đạt chuẩn.

   Anh Huỳnh Văn Danh (ảnh), bộc bạch: “Nuôi bò mô hình VietGAP khác nhiều so với kiểu chăn nuôi trước đây. Từ khâu cho ăn, vệ sinh chuồng, trại đến phòng bệnh đều phải rất kỹ lưỡng. Nuôi theo mô hình này, bò đạt trọng lượng nhanh hơn; chăn nuôi sạch nên khâu tiêu thụ cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.

   Tính đến nay, Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng được 5 mô hình chăn nuôi theo chuẩn VietGAP, có 3 mô hình đạt chuẩn tại các huyện Long Phú, Thạnh Trị và Ngã Năm đã được công nhận. Thời gian đầu triển khai mô hình còn gặp nhiều khó khăn do đa số hộ còn chăn nuôi nhỏ, lẻ, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chăn nuôi chưa đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn. Sau thời gian dài áp dụng quy trình an toàn sinh học, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thì mô hình chăn nuôi bò theo hướng VietGAP đã thật sự mang lại hiệu quả cao, trở thành phương thức chăn nuôi an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm, gắn chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị mà nhiều địa phương đang hướng đến.

   Theo bà Nguyễn Thùy Trang (ảnh), Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạnh Trị, nhận định: "Qua quá trình triển khai tại địa phương, mô hình nuôi bò thịt theo chuẩn VietGAP đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho hộ nuôi; từ việc gia tăng giá trị kinh tế đến đảm bảo tốt yếu tố môi trường trong quá trình duy trì và phát triển nghề nuôi. Huyện Thạnh Trị hiện có tổng đàn bò thịt khá lớn, do đó huyện sẽ tiếp tục phối hợp tốt cùng Ban quản lí Dự án, làm sao để tất cả hộ nuôi đều có điều kiện tham gia mô hình, để đàn bò thịt tại Thạnh Trị đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng”.

    Song song với việc hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng sạch, Ban quản lí Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt tỉnh Sóc Trăng còn hỗ trợ các cơ sở đủ điều kiện hình thành điểm phân phối bán lẻ nguồn thịt bò thương phẩm, nhằm từng bước hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thịt bò tươi trên địa bàn tỉnh. 

    Bà Nguyễn Thị Hà (ảnh), Cơ sở phân phối thịt bò sạch Hà Anh, huyện Thạnh Trị, cho biết: “Lúc trước chưa có tủ bảo quản thịt, tôi để thịt trên sạp bán từ sáng đến xế trưa là nhìn thịt thấy không còn tươi. Giờ được hỗ trợ cho cái tủ bảo quản thịt, mình để đến chiều chất lượng thịt vẫn đảm bảo. Khách hàng từ tỉnh khác đi ngang qua ghé mua rất nhiều”.

   Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết an toàn từ trang trại đến bàn ăn được xem là hướng đổi mới mang tính thiết yếu mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước vẫn đang triển khai mạnh mẽ, nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thịt động vật. Tại Sóc Trăng, hình thức chăn nuôi này sẽ được ngành Nông nghiệp tỉnh nhân rộng trong thời gian tới, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững và tạo ra sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao hơn, vấn đề là cần có giải pháp để phát triển mô hình trong thời gian tới. Kỹ sư Võ Hoàng Kha, Ban quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Ban quản lý Dự án đã đặt ra một số giải pháp để thực hiện chuyển đổi quy mô chăn nuôi nhỏ, lẻ sang quy mô chăn nuôi tập trung. Đầu tư nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên và kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, nhằm đáp ứng việc chăn nuôi an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung vỗ béo đàn bò để nâng cao chất lượng thịt, định hướng chăn nuôi theo mô hình VietGAP, đảm bảo các tiêu chí để có nguồn giống chất lượng, thịt phải truy xuất được nguồn gốc. Từ đó, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi bò thịt."

   Phát triển mô hình nuôi bò sạch theo chuỗi giá trị đang mở ra nhiều cơ hội mới cho cả người nuôi và cơ sở phân phối thịt. Phát triển bền vững được mô hình này còn tạo công ăn, việc làm ổn định cho hàng nghìn người dân khu vực nông thôn, vừa mang thương hiệu riêng của ngành chăn nuôi của tỉnh Sóc Trăng./.

Văn Đại - Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online