Năm 2023, kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng vươn lên từ trong gian khó (Lượt xem: 4094)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 12/01/2024

Năm 2023 là 1 năm đầy thử thách với những khó khăn trong nước và tình hình biến động của thế giới. Mặc dù chịu ảnh hưởng tác động chung, nhưng Đảng bộ, Chính quyền, Quân và Dân Sóc Trăng đã đồng lòng vượt khó để đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) liên tục tăng trong 4 Quý (lần đầu tiên đạt được trong 10 năm qua); đạt và vượt 18/24 chỉ tiêu Nghị quyết BCH Đảng bộ đề ra.      

Năm 2023, kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng vươn lên từ trong gian khó
 Biểu đồ chỉ số tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng năm 2023.

Những tháng đầu năm 2023, kinh tế tỉnh Sóc Trăng tăng trưởng rất chậm, có khu vực còn tăng trưởng âm. Bằng sự đồng lòng vượt khó của cả hệ thống chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã chuyển biến tích cực trong từng Quý và đạt 5,77%/năm (Nghị quyết đã đề ra là 7,5 đến 8%/năm), đứng thứ 7 trong khu vực ĐBSCL và đứng thứ 39 so với cả nước. Tuy không đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng con số này nói lên sự nỗ lực, quyết liệt của Đảng bộ, Chính quyền, Quân và Dân của 1 tỉnh có quy mô nền kinh tế nhỏ như Sóc Trăng. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng - ông Dương Hoàng Sals cho biết thêm, năm 2023, kinh tế tỉnh Sóc Trăng tăng trưởng liên tục: Quý I là 3,3%, Quý II là 4,02%, Quý III là 7,74%, Quý IV là 8,13%... đã đóng góp chung cho sự tăng trưởng của nền kinh tế của tỉnh.

Khu vực I (Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản) tiếp tục khẳng định là trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh khi chiếm trên 40% trong cơ cấu GRDP, tốc độ tăng trưởng tăng 2,65%. 2 Quý đầu năm, khu vực I gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng âm, nhưng 2 Quý cuối năm đã có sự bứt phá: Sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn, tăng 1,46% so cùng kỳ (lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 93%); nuôi Tôm đạt 52.500ha, sản lượng trên 206.300 tấn (nuôi Tôm nước lợ giảm so với cùng kỳ nhưng tăng hơn 7% về sản lượng, do người dân đẩy mạnh nuôi tôm nước lợ theo mô hình siêu thâm canh). Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh đạt khoảng 450 triệu USD. Sóc Trăng là một trong các tỉnh trong cả nước đứng đầu về xuất khẩu gạo. Giá trị đóng góp ngành lúa chiếm khoảng 65% so với cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt và chiếm khoảng 45% so cơ cấu trong khu vực I. Kim ngạch xuất khẩu con Tôm nước lợ đạt khoảng 950 triệu USD, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu con Tôm của cả nước và đóng góp khoảng 80% trong cơ cấu của lĩnh vực Thuỷ sản, chiếm khoảng 30% trong cơ cấu của khu vực I. Đây là một dấu ấn về con Tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng.

Lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 93%.

Mỗi tháng, bình quân, tỉnh có 41 doanh nghiệp thành lập mới thì có 20 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu sụt giảm, Công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là Công nghiệp chế biến hàng Thủy sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn… Trước bối cảnh khó khăn chung, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã tập trung thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để phục hồi kinh tế. 

Các tháng cuối năm, Công nghiệp chế biến tuy có mức tăng nhưng chưa bù đắp được sụt giảm những tháng đầu năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 ước giảm từ 3% - 5% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt theo kế hoạch nhưng giảm so cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 1,5 tỷ USD (xuất khẩu Thủy sản giảm 8,7%). “Năm 2023, điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của tỉnh là xuất khẩu gạo tăng trưởng rất tốt, chiếm khoảng 30% về xuất khẩu toàn tỉnh, tiếp tục được giữ vững xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Philippines và Trung Quốc. Xuất khẩu gạo có nhiều lợi thế cạnh tranh là do diện tích gieo trồng lúa với hơn 330.000ha, sản lượng duy trì khoảng hơn 2 triệu tấn; chất lượng lúa gạo cao sản, đặc sản trên 90%”, ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng nói.

Xuất khẩu Thủy sản giảm 8,7%.

Khu vực III (Dịch vụ) có mức tăng trưởng cao nhất trong 3 khu vực với mức tăng trưởng đạt 8,76% (không đạt như kỳ vọng và thấp hơn năm trước), đứng thứ 4 khu vực ĐBSCL và đứng thứ 12 trong cả nước. Nguyên nhân là do lĩnh vực kinh doanh bất động sản và lĩnh vực thông tin truyền thông còn có những khó khăn đặt ra, tăng trưởng âm.

Ghi đậm dấu ấn nổi bật nhất trong năm 2023 là cả hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng dồn sức khởi công và thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm: Khởi công Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1; Khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi; triển khai đầu tư hoàn thành Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng). Vốn đầu tư cùng với hoạt động xây dựng được triển khai đã góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực xây dựng trong khu vực II.

Đối với cảng biển Trần Đề: Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị xác định đến năm 2030 hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và là cửa ngõ của vùng. Trong năm, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thành công Hội thảo đầu tư cảng biển Trần Đề với sự tham gia của các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, doanh nghiệp, nhà đầu tư và đã đạt nhiều kết quả bước đầu. “Đã trình Bộ Giao thông, vận tải Quy hoạch vùng đất, vùng nước tỉnh Sóc Trăng, hiện Bộ đang tiến hành điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng biển Quốc gia, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi Thủ tướng phê duyệt thì Bộ Giao thông, vận tải sẽ phê duyệt Quy hoạch vùng đất, vùng nước. Sở Giao thông, vận tải tỉnh Sóc Trăng được giao lập Báo cáo tiền khả thi cảng biển Trần Đề và đã cơ bản báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị trong Quý I sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duỵêt”, ông Nguyễn Thu Thảo - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Năm 2023, một trong những thành công lớn nữa của tỉnh Sóc Trăng là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch Quốc hội và Phó Thủ tướng Chính phủ đã đã đến tham dự lễ công bố quy hoạch. Quy hoạch này cơ sở định hướng, tầm nhìn kiến tạo lộ trình để Sóc Trăng phát triển trong giai đoạn tới. 

Năm 2023 các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ. 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia gồm giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số  được triển khai kịp thời đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Từ nguồn huy động của Bộ Công an, 1.200 căn nhà cho người nghèo người có khó khăn về nhà ở hoàn thành; ước tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% (hộ nghèo Khmer là 3%).

Tuy nhiên, tỉnh Sóc Trăng còn có 6 chỉ tiêu Nghị quyết không đạt như: Tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, cơ cấu GRDP, chỉ số sản xuất công nghiệp, diện tích nhà ở bình quân đầu người và tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế. 

Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và có thể tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta, trong đó có tỉnh Sóc Trăng. Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng xác định cần tập trung triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ để tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt từ 7% - 7,5%. Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh ưu tiên hàng đầu là tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù cho cảng biển Trần Đề. Hoàn thành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng, cụ thể hoá và triển khai quy hoạch. Quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công trình trọng điểm để triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các Khu, Cụm Công nghiệp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, vướng ở cấp nào thì cấp đó, cơ quan chức năng đó giải quyết.     

Năm 2023 kết thúc với bối cảnh khó khăn chung trong bức tranh kinh tế, nhưng Sóc Trăng vẫn đạt được những thành tựu với những gam màu sáng nổi bật. Đây là đòn bẩy để Đảng bộ, Chính quyền, Quân và Dân Sóc Trăng tiếp tục nỗ lực hành động “biến khó khăn thành cơ hội” bứt phá vươn lên mạnh mẽ trong 2 năm cuối nhiệm kỳ./.

Kim Sang, Reng Xây


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online