Kỹ thuật nuôi Cua lột trong hộp nhựa (Lượt xem: 1670)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Doanh nghiệp - Người tiêu dùng

Cập nhật: 23/07/2024

Tại tỉnh Sóc Trăng, khi con tôm nước lợ gặp khó khăn về dịch bệnh và giá cả thì hộ nuôi đã chọn các đối tượng thủy sản khác để sản xuất, tiêu biểu là mô hình nuôi Cua biển trong hộp nhựa (Cua cốm, Cua gạch, Cua lột). Hiện nay trên thị trường, Cua lột “cung không đủ cầu” nên giá trị kinh tế khá cao. Muốn nuôi Cua lột thành công, người nuôi cần nắm vững một số quy trình kỹ thuật.  

Kỹ thuật nuôi Cua lột trong hộp nhựa
 Cua sau khi lột.

Từ nhiều năm qua, Cua biển đã được nuôi khá ổn định trên vùng đất ngập nước ven biển mặn và lợ, mặn; vùng có độ mặn thấp như ở huyện Mỹ Tú và Mỹ Xuyên,... của tỉnh Sóc Trăng. Riêng TX. Vĩnh Châu có khoảng 700 ha nuôi Cua biển (lớn nhất tỉnh). Tuy nhiên, chủ yếu Cua được nuôi thả lan trong ao với mật độ thưa nên hiệu quả kinh tế chưa đạt được như mong muốn. Mặt khác, dù việc sản xuất giống Cua biển thành công đã giúp người nuôi chủ động phát triển mô hình nuôi Cua thương phẩm, nhưng do nuôi nhốt làm chất lượng nước xấu và biến động độ mặn cao nên nuôi đến khoảng 2,5 - 3 tháng tuổi, tỷ lệ Cua sống và Cua bệnh còn cao.

Trang trại ST Crab Farm ở xã Vĩnh Tân, TX. Vĩnh Châu.

Để đưa giải pháp nuôi Cua trong hộp nhựa vào ứng dụng, giúp người nuôi nâng cao tỷ lệ Cua sống, chất lượng và giá trị Cua thương phẩm, “thời gian gần đây, Trạm Khuyến nông TX. Vĩnh Châu đã triển khai mô hình nuôi Cua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, nuôi Cua trong ao ương khoảng 2 tháng thì chuyển Cua qua ao nuôi thương phẩm (ao thứ hai, giai đoàn 2) để nuôi cho đến khi thu hoạch. Gần đây, Trạm còn cải tiến thêm mô hình nuôi Cua biển trong hộp nhựa: Giai đoạn 1, nuôi Cua ở dưới ao; Giai đoạn 2, đưa số Cua lên nuôi trong hộp nhựa. Việc nuôi Cua trong hộp nhựa đạt tỷ lệ sống rất cao, và nuôi Cua thương phẩm theo mong muốn của mình (nuôi Cua lột, Cua gạch, Cua vỗ béo từ Cua ốp thành Cua chắc”, ông Lý Chí Hiếu - Trưởng Trạm Khuyến nông TX. Vĩnh Châu, cho hay.

Gần đây, Trang trại ST Crab Farm ở xã Vĩnh Tân, TX. Vĩnh Châu đã đầu tư 10.000 hộp nhựa để nuôi Cua lột. Theo trang trại chia sẻ, nuôi theo hình thức này không tốn nhiều công chăm sóc, nguồn thức ăn khá đa dạng, chủ yếu là các loại cá tạp ngoài tự nhiên. Thông thường cách 20 ngày là Cua sẽ lột một lần nên để thu được Cua lột và kịp thời bảo quản nhằm giữ nguyên chất lượng, người nuôi phải kiểm tra, theo dõi để canh khi Cua có dấu hiệu và thời điểm lột (không để Cua lột quá lâu, chất lượng thịt sẽ không còn ngon như lúc đầu). Khi Cua lột xong thì cho vô hộp, đóng gói bảo quản lúc Cua còn đang sống khỏe mạnh để giữ lượng thịt Cua đạt mức độ tối đa. Ông Phan Thái Pháp - Cán bộ kỹ thuật Trang trại ST Crab Farm, TX. Vĩnh Châu còn chia sẻ thêm: So với giá Cua thịt, Cua lột cho giá trị kinh tế cao hơn (dao động từ 600.000 đ/kg) vì thịt rất ngon, giống như có sữa, lớp da mềm, độ đạm cũng cao hơn Cua thịt, chế biến rất nhiều món, người dùng có thể ăn nguyên con.

 

Cua sau khi lột được đóng hộp để bảo quản, tiêu thụ.

Về kỹ thuật nuôi Cua hộp, ông Phan Thái Pháp - Cán bộ kỹ thuật Trang trại ST Crab Farm, TX. Vĩnh Châu, cho biết: Buổi sáng, bơm nước tự động để vệ sinh hộp, môi trường nuôi, sau đó thăm, kiểm tra mức độ Cua phát triển. Cho Cua ăn 1 đến 2 cử/ngày và kiểm tra lượng thức ăn còn hay hết, nếu hết thì bổ sung thêm. Thức ăn là cá, cá tạp, chem chép, nghêu, sò hoặc những con 2 mảnh vỏ. Nuôi trong hộp, Cua có sức đề kháng cao nên mạnh hơn và nuôi được số lượng nhiều hơn.

Ngoài ra, Trang trại ST Crab Farm còn nuôi theo hình thức bán tuần hoàn: Nguồn nước ngoài tự nhiên sẽ được cấp vào ao chứa để lắng lọc trong thời gian nhất định, sau đó đưa nguồn nước này sang ao xử lý, rồi mới đưa vào ao tuần hoàn. Từ đây, nguồn nước sẽ được cung cấp trực tiếp vào các hộp nhựa nuôi Cua. Ưu điểm của hình thức này là tận dụng được nguồn nước có độ mặn cao ngoài tự nhiên, nước cấp đảm bảo, các hộp chứa Cua được đặt trực tiếp trên bờ nên việc chăm sóc, quản lý cũng thuận tiện hơn nhiều. Cua lột tự nhiên mà không dùng biện pháp kích thích, thịt Cua luôn đảm bảo chất lượng. Hiện trung bình mỗi tháng, Trang trại xuất bán khoảng 1 tấn Cua lột.

Muốn nuôi Cua lột trong hộp nhựa đạt hiệu quả, theo bà Lâm Ánh Tiên - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết: Ao nuôi phải có nguồn nước sạch và xử lý, kiểm soát chất lượng nước ổn định. Phải bố trí đầy đủ ao nuôi, ao (bể) dưỡng Cua và hệ thống hộp nuôi có cấp, thoát nước tuần hoàn. Ngoài ra, cần đảm bảo lượng Cua hậu bị từ ao nuôi hoặc thu gom ngoài tự nhiên ổn định. Có nguồn thức ăn tươi sống (chem chép, tôm, cá tạp,…) tại chỗ. Nuôi tại gia đình hay quy mô trang trại công nghệ cao đều có thể ứng dụng mô hình nuôi này.

Để thu được Cua lột, người nuôi có thể áp dụng 2 phương pháp: Để Cua lột tự nhiên khi đến thời điểm; kích thích Cua lột bằng cách cắt càng, chân bơi. Cả 2 phương pháp này đều có ưu, nhược điểm riêng nên người nuôi cần theo dõi, quan sát trọng lượng Cua để xác định phương pháp phù hợp nhất.

Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên (bìa phải ảnh) trao đổi với Trang trại ST Crab Farm về mô hình nuôi Cua lột.

Theo Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên, đối với phương pháp kích thích Cua lột thì Cua nuôi trong ao hoặc thu gom ngoài tự nhiên được đưa lên bể ương dưỡng (5 -7 ngày) để đảm bảo Cua khỏe (hoạt động tích cực, phản xạ nhanh nhẹn) thì tiến hành bấm càng và chân (dùng vật nhọn hoặc kềm làm đau để Cua tự buông càng và chân), chỉ chừa lại cặp chân bơi để kích thích Cua lột. Khi chọn phương pháp này thì nên lựa Cua có kích thước nhỏ từ 50gr - 80gr - 100gr để việc lột xác xảy ra nhanh. Sau 7 - 10 ngày mất càng và chân đã thấy mầm chân, càng xuất hiện và lớn dần, sau 15 ngày thì Cua có thể lên cốm và chuẩn bị lột. Theo dõi Cua cốm thường xuyên để thu Cua lột, Cua sắp lột thì chân bơi có chỉ màu đỏ, viền mai nứt dần. Nuôi cho Cua lột bằng kích thích tái sinh càng mới (cắt càng, chân) có thể thả nuôi với mật độ 20 - 30 con/m2, bể nuôi có hệ thống nước chảy tuần hoàn. Ngoài ra có thể thả Cua vào từng hộp nhựa nuôi dưới ao hoặc trên hệ thống hộp nhựa đặt trong nhà để việc theo dõi sức khỏe giai đoạn ương dưỡng và thu hoạch Cua lột dễ dàng hơn.

Đối với phương pháp tự nhiên (không cắt càng và chân): Lựa chọn Cua đồng cở, đồng đều về độ chắc ốp thả vào hộp nuôi mật độ 1 Cua/ 1 hộp (Cua không cần cắt càng), theo dõi chăm sóc cho ăn và thu hoạch khi Cua lên cốm hoặc vừa lột. Đây là phương pháp nuôi lột, Cua cốm tự nhiên khi đầy đủ dinh dưỡng và sức để lột từ 15 -25 ngày, tùy theo độ chắc khỏe của Cua thả vào hộp. Lợi thế của phương pháp này là thu Cua lột với trọng lượng lớn, chân và càng to nguyên vẹn nên giá trị cao, tuy nhiên thời gian nuôi Cua lột sẽ lâu và không đồng loạt như phương pháp chọn Cua có kích cở nhỏ, cắt chân, càng.

Ngoài ăn rất ngon, giá trị dinh dưỡng cao thì hiện nay nguồn cung Cua lột chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường tiêu dùng nên nghề nuôi Cua lột có tiềm năng phát triển rất lớn. Để mô hình phát triển bền vững, ngoài việc người nuôi am hiểu về kỹ thuật nuôi, làm chủ quy trình nuôi thì hộ nuôi cần có sự liên kết nhằm đảm bảo nguồn Cua hậu bị phục vụ nhu cầu sản xuất, ổn định nguồn hàng cung ứng cho các cơ sở, đơn vị liên kết tiêu thụ./.

Văn Đại, Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online