Kỹ thuật nhân giống cây Vú sữa tím Tứ Quý từ giống cây đầu dòng (Lượt xem: 3501)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 13/10/2024

Những năm gần đây, nhà vườn Kế Sách đã chọn tạo, sản xuất thành công nhiều giống cây trồng mới, trong đó có giống cây Vú sữa tím Tứ Quý. Giống cây này có nhiều ưu điểm vượt trội nên được nhiều nông dân lựa chọn để trồng thay thế cho các giống Vú sữa truyền thống, do đó nhu cầu về cây giống tăng cao. Để đáp ứng tốt nhu cầu về giống, Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn nhà vườn các biện pháp kỹ thuật nhân giống cây Vú sữa tím Tứ Quý từ giống cây đầu dòng.

Kỹ thuật nhân giống cây Vú sữa tím Tứ Quý từ giống cây đầu dòng
 Giống cây Vú sữa Tư Quý đủ điều kiện đem đi trồng.

Đến nay, huyện Kế Sách vẫn là vùng trồng và cung ứng Vú sữa xuất khẩu chính của tỉnh Sóc Trăng với hơn 2.234 ha, gồm các giống: Vú sữa Tím (1.493 ha), Vú sữa Lò Rèn (670 ha), Vú sữa Tím Tứ Quý (33,5 ha), Vú sữa Bơ Hồng (28,9 ha), Vú sữa Tím Đào (10,2 ha). 

Được chọn lọc từ quần thể Vú sữa tím trồng tại cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ vào năm 2000, đến năm 2014, Giống Vú sữa tím Tứ Quý được nhân rộng (3 ha) tại ấp Mỹ Thuận, xã Nhơn Mỹ. Do hiệu quả kinh tế từ giống cây trồng này mang lại nên đến năm 2022, Giống Vú sữa tím Tứ Quý mới được người dân trong và ngoài tỉnh quan tâm nhiều hơn.

Giống Vú sữa tím Tứ Quý cho trái quanh năm nên việc “làm trái” không còn phải phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ; cây chống chịu mặn cao hơn các giống vú sữa khác nên có khả năng chống chịu tốt hơn trong điều kiện ảnh hưởng bất lợi của hạn hán và mặn xâm nhập. Thời gian từ khi ra bông đến khi thu hoạch trung bình khoảng 6 tháng, ngắn hơn các giống khác 1,5 tháng. Trái có hình cầu với đỉnh trái dạng tròn và đáy trái dạng tù (rộng); trái khi chín có độ bóng vỏ nhiều với màu tím nâu, vỏ trái mỏng; có khả năng cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu liên tục nên rất thuận lợi trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Quy trình ghép cây Vú sữa tím Tứ Quý. 

Giống cây Vú sữa tím Tứ Quý cho năng suất trái và phẩm chất cao, được thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ưa chuộng nên nông dân quan tâm phát triển giống cây này. Để việc nhân giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cung ứng cho sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao thì hoạt động ươm giống, cung cấp cây giống phải được đảm bảo để địa phương nhân rộng mô hình và cung cấp cây giống cho nhà vườn trong và ngoài tỉnh.  

Giống Vú sữa tím Tứ Quý HTX Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao và Du lịch cộng đồng Mỹ Phước đã được Cục Trồng trọt ( Bộ NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền, được Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng công nhận vườn cây đầu dòng vào năm 2023, đã tạo điều kiện thuận lợi để việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đi vào nề nếp theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, số lượng cung ứng cây giống của HTX tăng lên từ 30 đến 50%.

Thông qua phương pháp ghép treo bầu, HTX Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao và Du lịch cộng đồng Mỹ Phước thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách đã nhân giống Vú sữa  tím Tứ Quý từ giống cây đầu dòng và đã được Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động vườn ươm.

Riêng HTX luôn đồng hành, hướng dẫn nông dân thực hiện các bước quy trình kỹ thuật để có thể tiến hành tự nhân giống khi cần. Ông Trần Anh Nhân (bìa trái ảnh trên) - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao và Du lịch cộng đồng Mỹ Phước, huyện Kế Sách, cho biết bước đầu tiên là chọn hạt, ngâm ủ rồi ươm cây từ 11-12 tháng mới bứng cây đưa vô bầu, sau đó mới đưa lên cành ghép. Chọn những cây Vú sữa có cành khoẻ, thẳng đứng, tán đều để ghép. Sau thời gian 3 tháng khi rễ gốc ghép hoàn chỉnh thì tiến hành cắt nhánh ghép đưa vô bầu nuôi cây gốc ghép trong nhà kính khoảng 3 tuần mới đưa ra ngoài nắng, sau đó mới đem đi trồng. Như vậy mất thời gian khoảng 15 tháng mới có cây gốc ghép giống Vú sữa tím Tứ Quý.

Để có sản phẩm trái Vú sữa tím Tứ Quý đạt chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng, thì nhà vườn phải bao trái, không sử dụng các dòng thuốc cấm sử dụng. Tuỳ theo cách chăm sóc của nhà vườn, cây Vú sữa tím Tứ Quý trồng được từ 14-18 tháng thì có thể để trái. Trái đạt đường kính trung bình từ 2,2 phân đến 2,5 phân thì tiến hành bao trái. Sau bao trái 2 tháng tiến hành thu hoạch.

Để đạt được tỷ lệ thành công cao trong quá trình nhân giống cây Vú sữa tím Tứ Quý, ông Hứa Thanh Xuân (ảnh trên) - Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng lưu ý nhà vườn cần áp dụng phương pháp “ghép treo bầu” vì giúp cho cây gốc ghép và cành ghép tiếp xúc tốt và nuôi được cành ghép. Chọn gốc ghép và cành ghép có đường kính tương ứng với nhau; theo sự phát triển của cành ghép trong quá trình ghép để có biện pháp xử lý hợp lý

Để trồng cây Vú sữa tím Tứ Quý đạt hiệu quả, nhà vườn cần chọn mua cây giống tại các cơ sở sản suất, cung ứng có uy tín và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Sử dụng kết hợp giữa phân hữu cơ và phân hóa học để giúp cây phát triển cân đối và bền vững; áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế./.

Ngọc Thơ, Hoàng Phong  


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online