Hóa giải mâu thuẫn, kết nối yêu thương (Lượt xem: 23594)
>> TIN TỨC >> Pháp luật - Cải cách hành chính >> Cải cách hành chính
Cập nhật: 17/12/2018Hòa giải từ lâu vốn được xem là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật, nếu thực hiện tốt công tác này sẽ giúp ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Lớp tập huấn về pháp luật cho các hòa giải viên cơ sở.
Những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn và mở rộng khắp các thôn, xóm, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp trong nhân dân. Xuất phát từ vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội; từ tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua và thực trạng pháp luật hiện hành về lĩnh vực này, việc ban hành Luật Hòa giải cơ sở đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, khi mà các mâu thuẫn và tranh chấp trong nhân dân ngày càng tăng và rất đa dạng, rất cần xây dựng khung pháp lý cao hơn, nhằm điều chỉnh hoạt động hòa giải ở cơ sở, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh, ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai trên địa bàn tỉnh; đồng thời biên soạn và cấp phát tài liệu cho các huyện, thị tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên về Hiến pháp năm 2013; Luật Hòa giải ở cơ sở; Quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình; khiếu nại, tố cáo... Đồng thời, Sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã thường xuyên củng cố, kiện toàn và báo cáo tình hình hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở, để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác hòa giải".
Hòa giải viên đến nhà trao đổi với dân
Sau khi được kiện toàn, hiện tỉnh Sóc Trăng có 791 tổ hòa giải với 4.363 hòa giải viên. Nhìn chung, tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, số lượng vụ, việc hòa giải thành tăng cao. Từ đó, góp phần tích cực trong việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, hạn chế xảy ra mâu thuẫn, xích mích kéo dài dẫn đến vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Đội ngũ hòa giải viên cơ sở đã đi sâu, bám sát địa bàn để giải quyết mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh. Bà Trương Ngọc Quý, Chuyên viên Phòng Tư pháp thành phố Sóc Trăng, chia sẻ: "Vai trò của hòa giải viên là rất quan trọng vì họ rất gần dân, sát dân. Nếu hòa giải viên am hiểu pháp luật có thể giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo các tầng lớp dân cư".
Luật Hòa giải cơ sở quy định các tiêu chuẩn cơ bản của hòa giải viên, người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn: Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật. Việc quy định nhiều quyền lợi của hòa giải viên khẳng định những đóng góp không nhỏ của hòa giải viên trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Ông Lê Trường Hận, thành viên tổ hòa giải Khóm 6, Phường 9, thành phố Sóc Trăng chia sẻ: "Khi tiếp nhận đơn, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ, tổ trưởng sẽ gặp nguyên đơn tìm hiểu lý do khiếu kiện và tư vấn cụ thể cho họ. Sau đó thông báo cho bị đơn về khiếu kiện, xem họ nghĩ thế nào để tiếp tục tìm hiểu trong quá trình đối chất. Từ đó phân tích và tìm ra những vấn đề cần giải quyết, rồi hòa giải bằng cách tuyên truyền, thuyết phục, động viên, không áp đặt, làm cho cả bị đơn và nguyên đơn đều "tâm phục khẩu phục".
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Tư pháp, bên cạnh kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, khó khăn như: Việc củng cố về tổ chức, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ kinh phí không được thực hiện thường xuyên dẫn đến hoạt động của một số tổ hòa giải và hòa giải viên chưa thật sự nhiệt tình, trong công tác còn hình thức đôi khi mang nặng tính mệnh lệnh, không thuyết phục và chưa thật sự trở thành những cam kết chung để các bên tranh chấp, mâu thuẫn nghiêm chỉnh thực hiện. "Một số tổ hòa giải áp dụng không đúng, chưa đầy đủ các quy định pháp luật trong quá trình hòa giải, vì vậy ảnh hưởng đến kết quả hòa giải. Cơ cấu tổ chức của tổ hòa giải thường xuyên bị thay đổi do thay đổi thành viên trong tổ. Hoạt động của tổ hòa giải còn hạn chế, thời gian dành cho công tác hòa giải không nhiều và chưa đi vào chiều sâu. Về kinh phí chi cho công tác hòa giải chậm, chưa động viên kịp thời cho hòa giải viên khi thực hiện nhiệm vụ. Kỹ năng hòa giải cũng như kiến thức pháp luật của đa số hòa giải viên còn hạn chế, nhiều tổ viên hòa giải lớn tuổi làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, phạm vi hòa giải rộng, nhiều vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm như quan hệ gia đình, đất đai nên hòa giải viên thường ngại va chạm, từ đó mục đích hòa giải không đạt được...", bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng lý giải thêm.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng
Để nâng cao hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp ủy và chính quyền trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho đội ngũ hòa giải viên; củng cố và kiện toàn các tổ hòa giải, đáp ứng đủ số lượng và tiêu chuẩn hòa giải viên theo đúng quy định pháp luật. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng nêu một số giải pháp cụ thể: "Nâng cao vai trò, năng lực cho cán bộ quản lý công tác hòa giải và đội ngũ hòa giải viên để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp kịp thời tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên để họ thường xuyên được cập nhật văn bản pháp luật của trung ương mới ban hành. Định kỳ hằng năm kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở. Đồng thời, thực hiện lồng ghép công tác hòa giải cơ sở với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội."
Thực tế cho thấy, ở đâu làm tốt công tác hòa giải thì ở đó an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy. Do vậy, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với công tác này. Cần từng bước kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện và thống nhất về tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải trong cộng đồng dân cư; phát hiện và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ thuộc phạm vi hòa giải; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên. Qua đó, góp phần giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư./.
Thanh Tâm - Hoàng Phong
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
- Thống nhất mua 120 hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng
- Nhà giáo ưu tú tận tâm với sự nghiệp giáo dục
- Ở vị trí nào cũng đều công tác tốt
- Ngôi vô địch 2 đội ghe Ngo Nam, Nữ tiếp tục thuộc về chùa Tum Núp, huyện Châu thành
- Sóc Trăng: Kết quả kiểm tra, thanh tra trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công vụ
- Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
- Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
- HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
- Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.