Đề án khởi nghiệp - Nâng cao tiềm năng phát triển kinh tế của phụ nữ Trần Đề (Lượt xem: 167)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đoàn thể >> Phụ nữ ngày nay

Cập nhật: 27/04/2025

Những năm qua, Hội LHPNhuyện Trần Đề đã triển khai, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt Đề án 939), và đã đạt được những kết quả nhất định. Đề án đã tạo động lực, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong hội viên, phụ nữ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo bình đẳng giới cho chị em trong lĩnh vực kinh tế.

 Đề án khởi nghiệp - Nâng cao tiềm năng phát triển kinh tế của phụ nữ Trần Đề
 Gian hàng trưng bày sản phẩm của Hội LHPN Trần Đề.

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Hội LHPN huyện Trần Đề đã xây dựng kế hoạch, triển khai sâu rộng và chỉ đạo thực hiện đến các cơ sở hội và hội viên với nhiều hoạt động như: Tổ chức ngày Phụ nữ khởi nghiệp hằng năm; hỗ trợ nâng cao chất lượng của các Tổ phụ nữ tiểu thương, các Câu lạc bộ doanh nghiệp nữ; kết nối các doanh nghiệp nữ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại thông qua các kênh thông tin đại chúng; tham dự trưng bày sản phẩm; kêu gọi đầu tư; tổ chức tọa đàm…

Trong giai đoạn 2017 - 2025, Hội LHPN huyện Trần Đề đã hỗ trợ 41 chị em khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp bằng hoạt động giới thiệu vay vốn, hỗ trợ thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký nhãn hàng, đăng ký sản phẩm khởi nghiệp. Việc hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp, hướng dẫn kĩ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu… đã "tiếp sức" cho nhiều hội viên, phụ nữ chủ động hơn trong phong trào khởi nghiệp, từ đó đã tạo ra nhiều sản phẩm theo hướng sạch, an toàn gắn với đặc trưng của từng địa phương.

Điển hình là chị Từ Thị Hồng Nhung (bìa trái ảnh) - Chủ cơ sở sản xuất bánh mứt ở ấp Bưng Buối, xã Liêu Tú. Với niềm đam mê, nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp Hội LHPN, chị Nhung đã khởi nghiệp thành công từ cơ sở sản xuất nhiều loại bánh mứt, được nhiều khách hàng trong, ngoài địa phương biết đến, tin dùng sản phẩm do cơ sở của chị sản xuất. “Năm 2017, được Hội Phụ nữ hỗ trợ làm nhãn hiệu nên sản phẩm cơ sở sản xuất ra bán rất được. Mình tham gia tập huấn, trưng bày sản phẩm cho bắt mắt, có nhãn hiệu, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, có địa chỉ và số điện thoại của cơ sở sản xuất nên sản phẩm bánh mứt  bán rất được”, chị nhung nói:

Sáng tạo trong cách làm, Hội LHPN huyện Trần Đề đã xây dựng nhiều mô hình phù hợp với từng địa phương và hoàn cảnh của chị em, trao cơ hội để phụ nữ tiếp cận, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với mình mà thực hiện để có nguồn thu nhập cho gia đình và phát huy quyền năng kinh tế của bản thân. Đến cuối năm 2024, toàn huyện có 19 Tổ hợp tác với 296 thành viên và 66 Tổ phụ nữ ngành nghề, dịch vụ với 917 thành viên.

 

Chị Thạch Thị Sa Pho (bìa phải ảnh) hướng dẫn chị em đan giỏ nhựa. 

Tại xã Đại Ân 2, Hội LHPN huyện Trần Đề đã hỗ trợ, thành lập Tổ đan giỏ nhựa để chị em địa phương tham gia, đồng thời hỗ trợ vốn, mở các lớp dạy nghề để phụ nữ tiếp cận các mẫu mã mới, đáp ứng yêu cầu theo đơn đặt hàng. Đến nay, công việc đan giỏ nhựa đã trở nên quen thuộc với nhiều chị em ở đây, giúp nhiều chị em có thêm thu nhập mỗi tháng từ 2-3 triệu đồng lúc nông nhàn. Chị Thạch Thị Sa Pho ở xã Đại Ân 2, nói: Tuy thời gian đầu thành lập Tổ đan giỏ nhựa có gặp nhiều khó khăn, nhưng sau đó quen dần, chị em đan giỏ tiến bộ lên, mình xuất đi khoảng 100 giỏ/tháng, sau khi trừ chi phí lời khoảng 900.000 đồng. Bây giờ mình làm sản phẩm mới giá cao hơn, lợi nhuận cũng nhiều hơn. 

Để thực hiện Đề án 939 đạt hiệu quả, Huyện hội đã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát một cách nghiêm túc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, chú trọng kiểm tra chuyên đề; phối hợp lựa chọn nội dung giám sát một số chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ, đồng thời, thường xuyên tham mưu Cấp ủy, Chính quyền cùng cấp trong triển khai thực hiện Đề án tại địa phương.

Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện Trần Đề rà soát nhu cầu thực tế của địa phương, tiềm năng của phụ nữ tại địa bàn. Phối hợp với Trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên, Ngân hàng CSXH huyện, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của tỉnh để tạo điều kiện cho chị em có nguồn vốn vay phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Phối hợp các ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn hỗ trợ kỷ thuật, kĩ năng bán hàng online, công nghệ 4.0, tập huấn chuyên môn khoa học kỹ thuật để chị em áp dụng vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Phối hợp địa phương thành lập các mô hình, Câu lạc bộ nữ doanh nghiệp, Tổ phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi để giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, bà Huỳnh Như Ý (ảnh trên) - Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Đề, cho biết thêm.

Tập thể, cá nhân phụ nữ huyện Trần Đề được khen thưởng vì có nhiều thành tích trong hoạt động hội.

Từ thực tế cho thấy, Đề án 939 không chỉ giúp chị em phụ nữ tiếp cận cơ hội kinh doanh mà còn nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực, một số mô hình khởi nghiệp hướng đến phát triển bền vững. Việc hỗ trợ phù hợp nhu cầu của từng đối tượng, cách thức tổ chức linh hoạt, bắt kịp với yêu cầu, xu hướng phát triển xã hội đã giúp nhiều phụ nữ ở huyện Trần Đề ngày càng tự tin hơn trong việc ra quyết định, tham gia vào các hoạt động xã hội và đóng góp vào việc phát triển kinh tế gia đình, địa phương; góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng và công bằng trong xã hội./.

Văn Sông

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online