Chuẩn bị chu đáo nguồn vật liệu san lấp phục vụ việc triển khai các dự án cao tốc khu vực ĐBSCL  (Lượt xem: 3128)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Giáo dục - Khoa học & Công nghệ >> Tài nguyên và Môi trường

Cập nhật: 15/12/2022

Sáng nay (15/12), ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long về vật liệu san lấp cho đường cao tốc. Về phía tỉnh Sóc Trăng, dự buổi làm việc có ông Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Lâm Hoàng Nghiệp, ông Vương Quốc Nam; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan. 

Chuẩn bị chu đáo nguồn vật liệu san lấp phục vụ việc triển khai các dự án cao tốc khu vực ĐBSCL 
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng dự buổi làm việc.

Các đại biểu dự buổi làm việc. 

Theo báo cáo của Ban QLDA Mỹ Thuận, Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 quy mô giai đoạn 1 đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, tổng chiều dài tuyến cao tốc khoảng 110,85 km và tuyến nối khoảng 25,9 km, tổng mức đầu tư dự án là 27.523,39 tỷ đồng; trong đó, Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài 37,65 km tuyến cao tốc và 9,25 km tuyến nối, tổng mức đầu tư là 10.370,74 tỷ đồng; Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 72,23 km tuyến cao tốc và 22,8 km tuyến nối, tổng mức đầu tư là 17.152,65 tỷ đồng. Dự kiến khởi công dự án trong tháng 12/2022, hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Trong giai đoạn từ 2022 - 2025 cũng có nhiều dự án lớn trong khu vực ĐBSCL được triển khai như Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2 km; Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài 27,4 km; Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26,5 km… dẫn đến nguy cơ thiếu vật liệu, đặc biệt là vật liệu cát đắp nền đường.

Qua khảo sát và thực tế triển khai các dự án khu vực ĐBSCL trong thời gian qua, nguồn vật liệu cát đủ tiêu chuẩn sử dụng trực tiếp cho đường cao tốc chủ yếu tập trung ở các tỉnh đầu nguồn Sông Tiền và Sông Hậu gồm An Giang, Đồng Tháp; các tỉnh hạ lưu sông Tiền và sông Hậu là Sóc Trăng và Vĩnh Long có trữ lượng cát sông đã quy hoạch là tương đối lớn. Các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ,… có nguồn vật liệu cát sông nhưng trữ lượng không lớn và lẫn nhiều bùn sét…

Với trữ lượng mỏ cát đang khai thác và trong quy hoạch, tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng cho biết các địa phương khá thuận lợi trong việc đáp ứng được nhu cầu cung cấp cát san lấp, qua đó, các tỉnh có trữ lượng khai thác lớn có thể hỗ trợ các tỉnh lân cận khi dự án triển khai trên địa bàn.

Tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài qua địa bàn tỉnh là 58,4 km, nhu cầu vật liệu để san lấp và xây dựng là khoảng 6,7 triệu m3, trong đó, vật liệu để san lấp là 5,5 triệu m3. Tính thêm Dự án Cầu Đại Ngãi cần thêm khoảng 2 triệu m3 cát, nếu khảo sát hết các mỏ cát, Sóc Trăng sẽ cơ bản đảm bảo lượng cát phục vụ san lấp. Riêng nguồn cát để xây dựng, khả năng tỉnh sẽ không đảm bảo. 

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ đầu tư cho các tỉnh vùng ĐBSCL là rất lớn, Bộ Giao thông Vận tải triển khai 20 dự án trong đó có 7 tuyến cao tốc. Tuyến cao tốc với trục dọc là Cần Thơ - Cà Mau, trục ngang là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với chiều dài và quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường cho biết tổng khối lượng vật liều cần để thực hiện san lắp cho 2 trục cao tốc là 39 triệu m3 nhưng không thực hiện cùng lúc và có thể điều tiết phù hợp. Theo ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, năm 2023, nhu cầu cát san lấp cho các dự án cao tốc là khoảng 16 triệu m3, năm 2024 là khoảng 20 triệu m3. Đến tháng 1/2023, toàn bộ tuyến cao tốc trục dọc sẽ được khởi công; đối với tuyến cao tốc trục ngang, dự kiến đến ngày 30/6/2023 sẽ khởi công theo Kế hoạch. Do đó, ưu tiên trước mắt là đảm bảo kịp thời trữ lượng cát phục vụ cao tốc trục dọc.

Ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Dựa vào khối lượng cát cần thiết cho các dự án cao tốc qua các năm mà Bộ Giao thông Vận tải đã tính toán, ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương lượng hoá chính xác nhu cầu vật liệu san lấp của các đoạn tuyến cao tốc qua từng địa phương, trên cơ sở đó chủ động rà sát lại nguồn tài nguyên cát trên địa bàn phục vụ cho đoạn tuyến cao tốc qua địa phương mình; tính toán, cân đối, xem xét nâng công suất khai thác cát theo Nghị quyết 133, Nghị quyết 60 của Chính phủ để chủ động đăng ký, đề xuất trữ lượng cát có thể cung cấp được cho các dự án cao tốc của vùng, trước mắt là cho các dự án cao tốc trục dọc. 

Ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cuộc họp lần này là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo trình Chính phủ về những đề xuất hợp lý nhất nhằm kịp thời cung ứng nguồn vật liệu san lắp chuẩn bị khởi công các dự án trọng điểm quốc gia đúng như kế hoạch. Từ các dự án giao thông quan trọng này sẽ mở ra cơ hội lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trong thời gian tới./.

Thuý Liễu - Trọng Phước


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online