Bà con Khmer Phú Tân náo nức chờ đón Lễ hội Oóc om bóc. (Lượt xem: 705)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng

Cập nhật: 16/10/2017

Càng gần đến Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer, thì các xóm ấp của xã Phú Tân, huyện Châu Thành càng thêm nhộn nhịp. Bà con Khmer náo nức chờ đón lễ hội trong niềm vui no ấm của xã nông thôn mới.

Bà con Khmer Phú Tân náo nức chờ đón Lễ hội Oóc om bóc.
Nghề đan tre truyền thống của bà con Khmer Phú Tân.

       Là xã có khoảng 85% dân số là đồng bào Khmer, sống chủ yếu bằng nghề nông. Những năm qua, các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp chính quyền quan tâm chu đáo, như hỗ trợ phương tiện để duy trì các bản sắc văn hóa nghệ thuật, hỗ trợ vốn để bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống. Xã có 2 ngôi chùa là chùa Prés Phék và chùa ChamPa, nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của bà con Khmer. Mỗi ngôi chùa đều được Ngành Văn hóa đầu tư dàn nhạc ngũ âm để Ban Quản trị chùa và bà con phật tử sinh hoạt văn hóa văn nghệ vào các dịp lễ, Tết cổ truyền. Ông Lý Sát ở ấp Phước Thuận, cho biết: “Nghề đan tre là nghề truyền thống của gia đình tôi từ rất lâu, nhưng có nhiều khi ngưng là do thiếu vốn mua nguyên liệu. Từ ngày được Nhà nước hỗ trợ vốn, gia đình tôi đã duy trì nghề cho đến nay”.

Là địa phương nổi tiếng với làng nghề đan tre, trúc, tập trung ở ấp Phước Quới và Phước Hòa, với khoảng 80 hộ làm nghề. Được công nhận là làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy trong năm nay, bằng nguồn quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân, đã hỗ trợ 20 hộ làm nghề, mỗi hộ 5 triệu đồng để mua nguyên liệu duy trì nghề này. Để giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên, xã đã lồng ghép các chương trình hỗ trợ nhà ở, chương trình 135, dạy nghề, hỗ trợ tiền cho hộ nghèo dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo Quyết định 102 của Chính phủ với tổng số tiền trên 120 triệu đồng. Như hộ ông Lâm Sươl ở ấp Phước Quới, mỗi tuần 3 lao động trong gia đình tranh thủ thời gian nhàn rỗi làm được 50 cái giỏ cần xé, trừ chi phí nguyên liệu ra mỗi tuần cũng có thêm khoảng 1 triệu đồng. Ông Lâm Sươl cho biết: “Nghề đan tre này đã giúp gia đình trang trải chi phí hằng ngày. Còn lợi nhuận sản xuất từ ruộng, rẫy thì tích lũy lên để nuôi con ăn học, mua thêm thiết bị sản xuất. Ngoài ra, duy trì nghề này là còn để dạy cho con cháu biết và phát huy nghề truyền thống của ông bà”.

Công đoạn xử lý tre nguyên liệu để đan các sản phẩm

Trong 9 tháng năm 2017, bằng các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, xã Phú Tân đã giảm được thêm 109 hộ nghèo, chỉ còn 10,55% hộ nghèo, 5,19% hộ cận nghèo. Để tiếp tục làm tốt công tác này, xã đang nỗ lực triển khai thêm một số giải pháp cho các hộ còn khó khăn làm nghề đan đát. Ông Lâm Huỳnh Minh Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết: “Để bảo tồn và phát huy nghề đan đát, xã đã đề xuất cùng huyện và cơ quan chức năng hỗ trợ bà con trang thiết bị, đầu ra sản phẩm, kết hợp ngân hàng chính sách hỗ trợ cho bà con làm nghề vay vốn; xây dựng mô hình tổ phụ nữ, tổ nông dân đan tre, đan lát”.

Đời sống bà con Khmer xã Phú Tân ngày càng khởi sắc, nên việc chuẩn bị cho lễ hội Oóc om bóc cũng chu đáo hơn. Cứ chiều đến ở làng nghề này, người già thì ở nhà đan giỏ, trai tráng thì tới chùa tập đua ghe Ngo, chuẩn bị tốt cho giải đấu quan trọng sắp tới, cố gắng mang vinh quang về cho huyện nhà./.

Tiến Sĩ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online